Đặc sắc lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer Nam Bộ

Đặc sắc lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer Nam Bộ

Người Khmer Nam Bộ được biết đến là một tộc người lớn trong số 54 dân tộc Việt Nam, và sinh sống chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Sóc Trăng, Trà Vinh,…Họ có nhiều bản sắc văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, lễ nghi,…hết sức độc đáo, trong số những giá trị truyền thống tốt đẹp ấy, Ok Om Bok là một lễ hội đặc sắc và vô cùng quan trọng của đồng bào Khmer mà ta không thể bỏ lỡ.

Lễ hội Ok Om Bok của người Khmer Nam Bộ còn được biết đến với cái tên khác là lễ Cúng Trăng hay “Đút cốm dẹp”, được diễn ra vào ngày 14 và 15 tháng 10 âm lịch hàng năm.

Đối với người Khmer, Mặt Trăng được xem như là một vị thần đã giúp đỡ họ trong việc điều chỉnh thời tiết, bảo vệ ruộng đồng, đem lại một mùa màng bội thu, mang đến sự ấm no, sung túc cho người dân sinh sống tại đây.

Lễ hội cúng Trăng thường được diễn ra tại sân chùa, sân nhà hoặc một khu đất trống nào đó để người dân dễ dàng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của trăng. Đồ cúng được bà con chọn từ các loại sản vật trong mùa vụ tự sản xuất được như: khoai lùn, khoai môn, khoai lang, mía, dừa, chuối xiêm,…đặc biệt không thể thiếu là cốm dẹp.

Trong lễ hội Ok Om Bok của người Khmer hiện nay có sự đa dạng xen lẫn nhiều hoạt động vui chơi giải trí, trong đó hoạt động thả đèn gió, thả đèn nước và đua ghe ngo thu hút đông đảo người dân và cũng là hoạt động không thể thiếu của lễ hội.

Đối với lễ hội thả đèn nước của người Khmer Nam Bộ, người ta thiết kế một chiếc kiệu với chất liệu cây tạp, sau đó đặt lúa gạo, mắm muối, thịt, trái rồi thả trôi theo dòng nước xem đây là lễ vật để tạ ơn thần đất, nước và cũng là lương thực tiễn đưa những linh hồn quá cố.

Đèn gió được làm từ tre, giấy quyến và dây kẽm. Có 2 loại đèn: vuông và tròn. Khối đèn tròn thông dụng hơn. Gòn được đốt cháy, nhiều người nâng đèn lên cao. Sức nóng làm giấy căng phồng. Người nâng đèn nương tay theo và cùng buông tay khi lực đẩy không khí nóng trong đèn đủ sức để nâng đèn bay lên. Người ta tin rằng những chiếc đèn đã mang đi những tai ương, rủi ro bất trắc để phum sóc yên bình.

Sau lễ cúng trăng là tục đua ghe ngo. Đây là nghi thức truyền thống tiễn đưa Thần Nước sau mùa gieo trồng về với biển cả, cũng là nghi thức tôn giáo tưởng nhớ Thần Rắn Nagar xưa biến thành khúc gỗ để đưa Phật qua sông. Không khí tưng bừng của ngày hội đến từ tinh thần nhiệt huyết của đội cổ vũ như tiếp năng lượng cho các vận động viên thêm phần cuồng nhiệt, hăng say trong cuộc đua. Chính tất cả những điều này đã khiến đua ghe Ngo trở thành một hoạt động hết sức đặc sắc và không thể thiếu trong ngày hội Cúng Trăng Ok Om Bok.

Đến với lễ hội Ok om bok, tất cả hòa trong không khí vui nhộn cùng với âm thanh của tiếng trống, tiếng kèn, tiếng thanh la, não bạt, khiến mọi người có thể quên hết mọi ưu phiền, lo toan của cuộc sống mà hòa mình vào cuộc lễ rộn ràng, sôi nổi.

Nếu bạn có ý định du lịch vùng đất Nam Bộ này thì đừng bỏ qua lễ hội đặc sắc này nhé!

Bạn muốn khám phá thêm nhiều lễ hội đặc sắc khác thì xem tại đây nhé

Cám ơn bạn đã theo dõi. Nếu có gì góp ý hay cần bổ sung thêm hãy để lại comment và bình chọn cho bài viết này nhé!

Theo dõi chúng mình ở đây nhé :

Nguồn: Tổng hợp Internet

 

Đánh giá bài viết