Hành trình khám phá Lễ hội xuân Yên Tử Quảng Ninh

Tết Nguyên Đán sắp đến gần, bạn đã có kế hoạch gì cho kỳ nghỉ lễ sắp tới hay chưa? Nếu chưa, một ngày đến với lễ hội xuân Yên Tử để được tận hưởng cảm giác nhẹ nhàng, thanh tịnh với những điều tuyệt vời trong cuộc sống, đó hẳn là một trải nghiệm thú vị.

Được mệnh danh là “Đất tổ Phật giáo Việt Nam”, chùa Yên Tử với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp cùng nhiều lễ hội lớn trong năm đã thu hút hàng triệu lượt khách khách thăm quan mỗi năm, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên Đán.

Những điều cần biết về Lễ hội xuân Yên Tử

Vùng núi Yên Tử nằm ở xã Thượng Yên Công, cách trung tâm của thị xã Uông Bí khoảng gần 14km. Đây cũng là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Quảng Ninh. Trước khi có cái tên Yên Tử, ngọn núi này có tên gọi khác là núi Voi bởi hình dạng của ngọn núi này tựa như một chú voi khổng lồ. Quanh năm trên núi đều chìm trong mây trắng tựa chốn tiên cảnh. Đó có lẽ vì sao mà các triều đại vua chúa của nước ta đều xếp núi Yên Tử vào hạng “danh sơn” của cả nước.

Lễ hội xuân Yên Tử thường được tổ chức hàng năm bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng và kéo dài hết tháng 3 (âm lịch). Lúc này, hàng ngàn người đổ từ mọi nơi trên cả nước về Yên Tử để du xuân, để cầu mong cho gia đình, người thân gặp được nhiều may mắn, hạnh phúc trong cuộc sống.

Linh sơn Yên Tử không chỉ là nơi có cảnh quan kỳ vĩ mà còn là chốn non thiêng hội tụ nhiều giá trị tinh thần của tổ tiên. Ý nghĩa lễ hội Yên Tử – Quảng Ninh là tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa, văn minh thời Lý, Trần,… lưu truyền đến các thế hệ mai sau. Bởi vậy, mỗi dịp xuân về, người dân lại nô nức ghé thăm địa điểm du lịch Quảng Ninh này trong hành trình hành hương về cõi Phật để quên đi những muộn phiền trần ai.

 

Khám phá những nét độc đáo trong Lễ hội xuân Yên Tử

Lễ khai hội

Lễ khai hội sẽ được bắt đầu diễn ra vào sáng mùng 10 tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử với những phần lễ trang nghiêm, mang ý nghĩa giáo dục vô cùng sâu sắc. Tại đây, các vị chư tăng hòa thượng sẽ tiến hành thực hiện nghi lễ cầu quốc thái dân an.

Để lễ hội xuân Yên Tử thêm phần đặc sắc, những tiết mục văn nghệ quy mô với sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài tỉnh sẽ được đan xen, cùng hòa chung không khí đón mùa lễ hội suôn sẻ. Ngoài ra, phần lễ lúc này còn các hoạt động thú vị khác nhau thỉnh chuông, gióng trống, chúc phúc đầu năm vô cùng đặc sắc.

Hoạt động sau phần khai hội

Sau khi kết thúc nghi lễ khai hội của lễ hội xuân Yên Tử, bạn sẽ được tham quan khu Trung tâm lễ hội, thượng sơn lễ Phật, làng hành hương hoặc tham gia các trò chơi dân gian vô cùng ấn tượng như: ném còn, kéo co, chọi gà, giải cờ tướng kỳ vương Yên Tử,… Hay thưởng thức các màn trình diễn độc đáo như: Văn nghệ truyền thống tại khu vực đình làng hành hương Yên Tử, võ thuật cổ truyền, nghệ thuật múa rồng.

Ngoài ra, lúc này sẽ có hàng ngàn người bắt đầu cuộc hành hương lễ phật theo từng dòng, học lần lượt di chuyển đến đỉnh núi Yên Tử – Nơi có ngôi chùa Đồng linh thiêng, cổ kính. Đoạn đường di chuyển lên đây khá gập ghềnh, uốn lượn, rợp bóng mát dưới những bóng cây cổ thụ to lớn và có cả những làn sương khói mờ ảo, cứ ngỡ như đang đi vào cõi Phật.

Về với lễ Hội Yên Tử là về với hành trình phật giáo Việt Nam, nơi đây rất nổi tiếng với các di tích và ngôi chùa về sự tích Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Có thể kể đến các di tích như :

  • Đền Trình hay chùa Bí Thượng: Chùa Trình trước khi hành hương lên khu Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử.
  • Chùa Suối Tắm: Đây là nơi gắn liền với truyền thuyết vua Trần Nhân Tông đã dừng chân và nghỉ ngơi. Dòng suối tại chùa có tên là Suối Tắm.
  • Chùa Cầm Thực: được xây dựng vào thời Trần, chùa bị phá hủy trong chiến tranh. Ngày nay đã được sửa chữa lại.
  • Chùa Giải Oan – Suối Giải Oan: Truyện kể rằng khi vua Trần Nhân Tông rời bỏ ngôi vua để đi tu, những cung tần mỹ nữ của ngài mong muốn ngài quay lại triều đình nhưng không được, và để tỏ lòng trung thành, một số các cung phi đã đắm mình dưới suối tự vẫn. Sau này, nhà vua đã lập đàn để cúng giải oan cho các vị cung phi ấy. Nơi dựng đàn tràng về sau được gọi là chùa Giải Oan, dòng suối nơi đó được dân gian gọi là Suối Giải Oan.
  • Chùa Hoa Yên:  là ngôi chùa lớn nhất Yên Tử – nơi đây Phật Hoàng Trần Nhân Tông và các vị tổ sư Trúc Lâm Yên Tử thường giảng đạo.
  • Cụm Tháp Hòn Ngọc: Đây là cụm tháp được những nhà sư tu hành ở đây từ cuối thời Lê cho đến đầu thời Nguyễn. Bao gồm 4 ngọn tháp đá và gạch, ba ngọn tháp đá còn tương đối nguyên vẹn và một ngọn tháp gạch, ngoài ra còn có năm ngôi mộ của các vị sư tu hành tại Yên Tử.
  • Khu Tháp Tổ: Đây là nơi cất giữ một phần xá lị của Phật Hoàng Trần Nhân Tông cùng xá lị của các vị tu hành khác trên núi thiêng Yên Tử.
  • Chùa Một Mái: Nơi đức vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông thường đọc sách, soạn kinh. Bên trong chùa thờ Tam Tổ Trúc Lâm, Phật tổ và thờ Mẫu.
  • Am Ngự Dượng, Am Thung: Đây là nơi điều chế thuốc của Phật Hoàng, không chỉ chữa bệnh cho các nhà sư trên núi Yên Tử nơi đây còn phân phát thuốc cho người dân những lúc dịch bệnh.
  • Chùa Bảo Sai: Chùa được đặt tên theo đệ tử thân tín của Phật Hoàng. Đây là nơi tu hành của đệ tử này, được ngài giao cho việc biên tập và ấn tống tất cả kinh văn của Trúc Lâm Yên Tử (việc quan trọng thời xưa).
  • Chùa Vân Tiêu: Đây là nơi tu luyện của các vị tăng.
  • Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông: Tượng mới được đúc bằng đồng nguyên khối, cao 15m, nặng 138 tấn . Tượng được hoàn thành trong những năm gần đây.
  • Tượng An Kì Sinh: Theo truyền thuyết, đây là tượng của một vị tu sĩ hóa đá.
  • Chùa Đồng: Nằm ở điểm đến cao nhất trên đỉnh Yên Tử. Khi Phật Hoàng còn tại thế, đây là nơi mà ngài thường ngồi tọa thiền với một bên là vách đá dựng đứng. Về sau, chùa được vợ chúa Trịnh công đức xây dựng, chùa được tạc bằng đồng nên gọi là Chùa Đồng. Từ năm 2007, chùa đã được trùng tu cho đến ngày nay,  hiện Chùa Đồng thờ Phật Thích Ca và 3 pho tượng Tam tổ Trúc Lâm.

Một vài lưu ý khi tham gia Lễ hội xuân Yên Tử

Để có một hành trình du xuân lễ hội Yên Tử trọn vẹn, bạn nên chú ý một số điều sau:

  • Chọn trang phục kín đáo và nhã nhặn vì Yên Tử vốn là đất Phật linh thiêng. Bạn cũng không nên chọn trang phục bó sát hoặc đồ jeans vì sẽ khó di chuyển;
  • Du khách cần leo tới hơn 6km bậc thang đá dốc đứng nên cần ưu tiên đi giày thể thao để di chuyển dễ dàng hơn;
  • Chuẩn bị sẵn nước uống và gậy chống để đủ sức vượt qua hành trình lên tới chùa Đồng;
  • Mang theo máy ảnh và điện thoại để ghi lại những khoảnh khắc thật đẹp trên đỉnh núi;
  • Nếu ngại vấn đề sức khỏe không thể leo thang bộ, bạn có thể lựa chọn đi cáp treo để chiêm ngưỡng danh thắng Yên Tử từ trên cao.

Có thể nói Lễ hội Yên Tử ở Quảng Ninh không chỉ mang đến cho bạn những trải nghiệm linh thiêng về một nơi gắn liền với lịch sử, mà còn là những khoảnh khắc tuyệt vời được mãn nhãn với thiên nhiên, được tham quan và tận hưởng những hoạt động mang đậm nét đẹp truyền thống lẫn thách thức. Nếu bạn yêu vùng đất xinh đẹp này thì còn chần chừ gì mà không lên lịch du lịch Quảng Ninh đầu năm nay và tham gia lễ hội xuân Yên Tử đặc sắc này nhé.

Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có một chuyến đi thật trọn vẹn và nhiều niềm vui! Với những bạn muốn đi du lịch khám phá Quảng Ninh, hãy tham khảo ngay cẩm nang du lịch tổng hợp cực chi tiết tại đây nhé: Hướng dẫn du lịch Quảng Ninh cực chi tiết

Đến Quảng Ninh ăn gì? Hãy khám phá những nón ăn ngon Quảng Ninh tại đây nhé: 25 món ăn đặc sản Quảng Ninh ai cũng mê

Còn đây là những đặc sản làm quà ý nghĩa cho bạn bè và người thân: Top 20 món ăn ngon Quảng Ninh làm quà nổi tiếng

Cám ơn bạn đã theo dõi. Nếu có gì góp ý hay cần bổ sung thêm hãy để lại comment và bình chọn cho bài viết này nhé!

Theo dõi chúng mình ở đây nhé :

4.9/5 - (8 bình chọn)