Độc đáo Nhã nhạc Cung đình Huế trên sông Hương – bản sắc văn hóa Cố đô

Mang ý nghĩa ”âm nhạc tao nhã”, Nhã nhạc Cung đình Huế là biểu tượng của vương quyền và sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại. Nhã Nhạc Cung Đình Huế với lời hát tao nhã, điệu thức cao sang, quý phái được biểu diễn trong cung đình thời phong kiến vào các dịp lễ cung đình như Tế Giao, Tế miếu, Lễ Đại triều, Thường triều…Chính vì thế Nhã nhạc cung đình Huế rất được các triều đại phong kiến Việt Nam coi trọng và được dân tộc Việt Nam gìn giữ bản sắc văn hóa đến tận ngày nay.

“Âm nhạc cung đình” được hiểu theo nghĩa thông thường là các thể loại ca nhạc, kể cả các thể loại ca nhạc đi kèm với múa và kịch hát, dùng trong các lễ nghi cúng tế và triều chính, các ngày quốc lễ do triều đình tổ chức và sinh hoạt vui chơi giải trí của vua và hoàng tộc.

Còn tên gọi “Nhã Nhạc” được các triều đại phong kiến Việt Nam từ thời nhà Hồ dùng với những nội hàm khác nhau: khi để chỉ âm nhạc cung đình nói chung, lễ nhạc cung đình nói riêng, khi để chỉ một tổ chức âm nhạc, thậm chí một dàn nhạc cụ thể.

Lịch sử hình thành Nhã nhạc Cung đình Huế

Nền tảng ban đầu của Âm nhạc cung đình Việt Nam đã bắt đầu manh nha từ thế kỉ 17 dưới thời các chúa Nguyễn khi vào cát cứ Đàng Trong. Nhưng phải đến đầu thế kỉ 19 dưới triều Nguyễn (1802 – 1945), Nhã nhạc Cung đình Huế mới chính thức được hình thành.

Dưới thời triều Nguyễn, Nhã nhạc được dùng trong các lễ tế đại triều 2 lần/tháng, thường triều 4 lần/tháng: Nam Giao, Tịch Điền, sinh nhật vua và hoàng hậu. Ngoài ra Nhã Nhạc Cung Đình Huế còn sử dụng cho các buổi tế như đăng quang, lễ tang của vua và hoàng hậu, đón tiếp sứ thần.

Bằng sự ưu ái của các vị vua, Nhã nhạc đã trở thành một phần thiết yếu của quá trình nghi lễ và mỗi năm nó được trình diễn trong toàn bộ thời gian của gần 100 buổi lễ khác nhau. Phong phú về nội dung tinh thần, Nhã Nhạc đã được xem như là một phương tiện liên lạc và bày tỏ tôn kính đến các vị thần linh và bậc đế vương. 

Nhã nhạc cung đình Huế có gì đặc biệt?

Đặc trưng của Âm nhạc cung đình Huế là sự hội nhập, tiếp biến văn hóa Hoa, Chăm và những ảnh hưởng của Phật, Nho. Múa cung đình có quan hệ mật thiết với nghệ thuật tuồng (hát bội). Âm nhạc cung đình Huế tổng hợp trong đó sự phong phú, đa dạng về nhiều mặt: về loại hình nghệ thuật, thể loại, chủng loại nhạc khí và âm sắc, bài bản, cơ cấu tổ chức dàn nhạc và các hình thức hòa tấu, môi trường trình diễn, nhạc điệu…

Ngày nay hệ thống bài bản ca nhạc cung đình bao gồm rất nhiều bà như Mười bản ngự (Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ quảng, Liên hoàn, Bình bán, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã), Long đăng, Long ngâm, Phú lục, Tiểu khúc, Tam luân cửu chuyển, Đăng đàn cung, Đăng đàn đơn, Đăng đàn kép, Thái bình cổ nhạc, Bông, Mã vũ, Man và một số bài khác trong hệ bài bản của ca nhạc thính phòng như Nam Bình, Nam Ai…

Các dàn nhạc cung đình triều Nguyễn cũng gồm nhiều loại có biên chế khác nhau nhằm phục vụ các nghi lễ và nhu cầu giải trí trong cung: Nhã nhạc, Huyền nhạc, Ti trúc tế nhạc, Tiểu nhạc, Đại nhạc, Cổ xúy đại nhạc, Nhạc thiều, Bát âm, Ty chung, Ty khánh, Ty cổ…Nhờ vậy đến với âm nhạc cung đình Huế người thưởng thức sẽ có nhiều “món” để thay đổi “khẩu vị” không những cho thính giác mà cả thị giác.

So với các loại hình nghệ thuật khác, Nhã nhạc Cung đình Huế tự hào có giá trị nghệ thuật cao, đây là một hình thức biểu diễn nghệ thuật lâu đời từng được sử dụng trong âm nhạc chính thức của cung đình trong nhiều thế kỷ. Trải qua một lịch sử tồn tại lâu đời, Nhã nhạc Cung đình Huế đã trở thành một phần thiết yếu của Cố đô Huế cũng như văn hóa Việt Nam nói chung.

Và cho đến ngày 7/11/2003, Tổng Giám đốc UNESCO Kiochiro Matsuura chính thức công bố Nhã nhạc Huế được ghi tên là 1 trong số 28 kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại trong buổi lễ được tổ chức tại Paris, Pháp. Đây cũng là di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được công nhận vào danh mục này.

Xem Nhã nhạc cung đình Huế ở đâu?

  • Nhã nhạc cung đình Huế trên sông Hương 

Đây là địa chỉ quen thuộc được nhiều du khách lựa chọn để thưởng thức Nhã nhạc cung đình Huế. Du khách được ngồi trên thuyền rồng, dạo quanh sông Hương thơ mộng và thưởng thức Nhã nhạc cùng các thể loại âm nhạc khác do ca sĩ biểu diễn.

Nha nhac Cung dinh Hue ackc 5

  • Duyệt Thị Đường

Duyệt Thị Đường là nhà hát đầu tiên mở cửa biểu diễn Nhã nhạc được xây dựng dưới triều Nguyễn, cách đây gần 200 năm. Đây cũng chính là một trong những không gian diễn xướng cổ nhất Việt Nam và là nơi biểu diễn nhiều thể loại nghệ thuật như tuồng, múa, nhã nhạc cho nội cung vua. Đến với Duyệt Thị Đường, du khách sẽ thực sự ấn tượng với không gian hoành tráng, trang trọng và không khí linh thiêng.

Nha nhac Cung dinh Hue ackc 6

Nghe nhã nhạc cung đình Huế, du khách sẽ cảm nhận được sự trầm mặc của không gian nơi đây, cùng với ánh sáng mờ ảo, với những giai điệu giống như một sự gợi ý để người xem thả hồn vào quá khứ trong những suy tưởng về triều đại nhà Nguyễn, triều đại biết kế thừa truyền thống âm nhạc cung đình của các triều đại trước, phát triển rực rỡ, phong phú hơn cả về đề tài, thể loại và số lượng.

Vậy nên, du lịch đến Huế không chỉ là hành trình khám phá quần thể di tích triều Nguyễn, về một thành phố mộng mơ nép mình bên dòng sông Hương nổi tiếng mà thưởng thức Nhã Nhạc Cung Đình còn là những trải nghiệm mà bạn đừng bỏ lỡ.

Đừng quên tham khảo thêm Kinh nghiệm và lịch trình tối ưu từng ngày cho bạn, khi đến thăm Thừa Thiên Huế ở đây nhé: Kinh nghiệm du lịch Huế từ A-Z

Đến Huế du lịch thì ăn gì. Cùng tìm hiểu những món đặc sản đặc sản mang đậm hương vị miền đất cố đô ở đây nhé:  Ăn gì – Ẩm thực những món ngon phải ăn ở Huế

Còn đây là những đặc sản Huế làm quà, bạn đừng quên mua nha: Top 35 đặc sản Huế làm quà nổi tiếng nhất

Du lịch Huế thì đi đâu? Khám phá 60 địa điểm du lịch Huế tại đây nhé: Tổng hợp top 60 điểm du lịch ở Huế

Cám ơn bạn đã theo dõi. Nếu có gì góp ý hay cần bổ sung thêm hãy để lại comment và bình chọn cho bài viết này nhé!Theo dõi chúng mình ở đây nhé :

Nguồn: TH

5/5 - (1 bình chọn)