Top 25 đặc sản Phú Thọ thơm ngon, ăn quên lối về

Bạn đã đói chưa? Cùng Ăn chơi khắp chốn khám phá những đặc sản Phú Thọ ngon nức tiếng nào!

Bánh trứng kiến người Mường – đặc sản Phú Thọ

Để làm ra những chiếc bánh, đòi hỏi rất nhiều công phu, nhất là nhân bánh. Bà con phải lên nương, lên núi để lấy trứng kiến; nhưng không phải loại kiến nào cũng có thể lấy trứng để ăn được. Loại kiến để lấy trứng là kiến lành, làm tổ ở trên cây như cây xoan, cây quế, cây găng…Một chiếc bánh ngon phải có nhân là trứng kiến nguyên chất, chỉ cần phi hành mỡ và muối không trộn thêm các nguyên liệu khác. Bột bánh làm từ gạo nếp ngon, xay nhuyễn, nhào dẻo, dát mỏng, nhồi nhân, rồi nặn thành hình vuông, bọc vào 2 lớp lá ngõa, đem hấp chín. 

Bánh có vị rất lạ, dẻo mềm, thơm của gạo nếp nương hòa với vị thanh mát, của lá ngõa, vị béo ngậy đậm đà của trứng kiến, tạo nên hương vị riêng biệt. 

Bánh làng Dòng – đặc sản Phú Thọ

Làng Dòng (Xuân Lũng, Lâm Thao) nức danh khắp vùng trung du đất Tổ với nghề làm bánh truyền thống đã tồn tại hàng mấy trăm năm, vẫn đang được người dân nơi đây gìn giữ và phát triển. Bánh chưng được gói từ gạo nếp cái hoa vàng, dẻo thơm đậm đà hương vị; bánh nẳng được làm cầu kỳ từ gạo nếp với nước cốt các loại lá thơm, mầu đỏ đậm, có độ trong và dẻo, chấm với mật mía đem lại cho du khách cảm giác mát giọng, ngọt ngào,…

Bánh sắn – đặc sản Phú Thọ 

Món ăn không chỉ thơm bùi của vị sắn nếp đặc sản nơi đây mà còn béo ngậy quyến rũ lòng người. Nhân bánh gồm: Thịt mỡ, hành tươi, đỗ xanh bỏ vỏ nấu chín. Phi hành mỡ thơm cùng đỗ xanh, thịt mỡ nêm gia vị cho vừa để làm nhân bánh. Bột sắn nặn thành những chiếc bánh xinh xinh hình tròn hoặc khum dẹt, dùng lá chuối bọc bên ngoài từng chiếc bánh để khi xôi bánh không bị dính vào nhau. Lần lượt xếp bánh vào nồi đồ xôi. Đun nồi xôi nhỏ vừa để bánh chín đều. Sau 40 phút bánh sẽ lên mùi thơm ngậy của sắn nếp và nhân đậu thịt. Khi bóc chiếc bánh, bên ngoài có màu xanh nhạt từ màu xanh của lá chuối, bên trong bánh có màu trắng và ở giữa là nhân.

Bắp chuối lam sườn – đặc sản Phú Thọ

Bắp chuối lam sườn là món ăn truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Mường. Hoa chuối rừng có trên khắp các các dãy núi, cánh rừng ở Yên Lập. Khi đi rừng người Mường thường hái bắp chuối mang về để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. 

Món ăn có mùi thơm đặc trưng của hoa chuối rừng vị ngọt của thịt sườn, có thể ăn cùng cơm nóng hay làm dùng đồ nhắm rượu đều rất tuyệt.

Bưởi Đoan Hùng – đặc sản Phú Thọ 

Bưởi Đoan Hùng là đặc sản Phú Thọ đây là giống bưởi cổ nhất. Truyền qua nhiều đời, và cây tổ hiện nay có tuổi đời hơn 100 năm. To lớn như cây cổ thụ và được dùng để chiết cành nhân giống các thế hệ bưởi tiếp theo. Đây phải là loại cây trồng lâu năm, có quả hình cầu dẹt, quả chưa đầy 1 kg, chín màu vàng sáng, vỏ hơi héo, cùi mỏng, múi ráo, tôm mọng nước, màu trắng ngà, đặc trưng bởi hương vị thơm, ngon, ngọt, mát. Giống bưởi đặc sản của Phú Thọ còn quý ở chỗ, có thể bảo quản được vài tháng đến nửa năm, khi bổ ra, ăn vẫn ngọt, ngon như thường!

Cá nheo đồng Hạ Hòa

Cá nheo đồng được người dân miền trung du Hạ Hòa chế biến thành những món ăn đậm đà dư vị. Vì đây là loại cá da trơn nên khó lòng chế nheo thành món luộc, món hấp hay nấu canh. Người sành ăn từ lâu đã biết chế nheo thành hai món khá hấp dẫn là nheo nướng và nheo om trái chuối xanh. Khi ăn, nheo có vị thơm ngọt, béo của thịt hòa lẫn vị thơm cay của các loại gia vị cộng với độ giòn nhẹ của lớp thịt cá cháy xém bề ngoài. Màu sắc của cá nướng khá hấp dẫn. Đó là màu hồng nhẹ của lớp thịt bên ngoài hòa lẫn màu vàng của nghệ.

Cá thính chua – đặc sản Phú Thọ 

Cá thính, còn gọi là cá muối chua, là sản phẩm được làm từ các loại cá nước ngọt còn tươi đem sơ chế, ướp thính để lên men chua, thơm, làm chín món ăn một cách tự nhiên. Cá thính thịnh hành như một trong những món ăn mặn dân dã với nguyên liệu và cách thức thực hiện không khó, nhưng để làm được hũ (chĩnh, lọ) cá thính ngon, thơm, chua dịu, miếng cá cứng nguyên dạng và “chín” đều lại khá khó khăn, phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của người làm.

Mùi thơm của lớp thính hòa quyện vào với vị chua của thịt cá tạo nên vị ngon ngọt đậm đà rất riêng. Bữa cơm đơn sơ chỉ có món cá thính muối chua rán và rau lang luộc đã khiến bao người ăn mãi không chán.

Các món ăn từ cọ

Quả cọ chín có màu đen bóng, vị bùi, chát. Ngoài ăn sống, loại quả đặc trưng của Phú Thọ này còn có thể được làm dưa hoặc kho cá, nhưng đơn giản nhất là om.

Đơn giản và dễ ăn nhất là món ỏm cọ (người dân địa phương còn quen gọi là om cọ). Tuy cách làm đơn giản nhưng có thể cho ra món ăn mềm, bùi, ngọt, béo ngậy và thơm hương. Quả cọ ngoài nấu ỏm còn có thể làm dưa. Dưa cọ có vị mặn của muối, vị ngậy béo bùi của cọ, thường ăn cùng với cơm hoặc ăn chơi đều rất ngon. Ngoài ra, cọ còn có thể dùng để kho cá giống như quả trám.

Cơm lam – đặc sản Phú Thọ 

Cơm lam cũng là một món ăn truyền thống đặc trưng của đồng bào Mường huyện Yên Lập. Theo các các cụ cao niên kể lại, trước kia người dân phải đi rừng, đi nương từ mờ sáng, thậm chí phải ngủ lại trong rừng. Do đó, đã dùng ống tre, ống nứa cho gạo vào trong đem nướng trên lửa cho đến khi gạo trong ống chín thành cơm. Khi ăn, cơm có vị ngọt, bùi có hương thơm đặc trưng của tre, nứa non và gọi đó là cơm lam.

Cơm nắm lá cọ

Vào đúng mùa cọ, người ta lại lên đồi chặt những tàu lá cọ vẫn còn bánh tẻ về để nắm cơm. Những tàu lá cọ non còn chưa xòe hết được lựa chọn cẩn thận, có màu xanh mướt, cao tầm ngang người, lấy những lá bánh bẻ, nhỏ như miệng nón, còn e ấp chưa xòe hết. Lá cọ rửa sạch rồi đem về hơ qua lửa cho mềm, cắt thành những miếng vuông, lau sạch rồi nắm với cơm.

Mùi gạo, mùi lá quện vào nhau, thoang thoảng, thơm lừng mùi gạo mới, quện trong mùi lá ngai ngái mà hấp dẫn, mà say mê. 

Cuốn cão làng Sỏi – đặc sản Phú Thọ 

Xưa kia người dân nơi đây gọi con tôm càng là con cão, cách gọi tên này ngày nay vẫn còn không ít người trong làng sử dụng. Món ăn là sự tổng hợp của nguyên liệu, nhiều màu sắc với màu đỏ của tôm, màu xanh của rau thơm, củ kiệu, màu trắng của thịt ba chỉ luộc và bún, giò lụa, màu vàng của trứng rán…

Mỗi miếng cão được cuốn quanh một sợi dây màu xanh đậm của củ kiệu, giống như chiếc lưng ong của các bà các chị. Nhìn rất ngon mắt. Có thể dùng nước chấm nem để làm nước chấm của món cuốn cão.

Gà chín cựa – đặc sản Phú Thọ

Gà chín cựa hay còn gọi là gà nhiều cựa không ai biết xuất hiện từ bao giờ, chỉ được biết đến từ truyền thuyết “Sơn Tinh – Thủy Tinh”. Loại gà này có nguồn gốc là gà rừng, trước đây đã được người dân tộc Dao và Mường Phú Thọ bắt về nuôi từ lâu nhưng phải đến những năm 2003, khi Vườn Quốc gia Xuân Sơn được thành lập, đường xá được mở mang thì nhiều người mới biết đến giống gà quý này. 

Thịt Gà nhiều cựa có mùi vị đặc biệt, rất thơm ngon và đậm đà như gà rừng. Gà nhiều cựa trước đây là sản phẩm để tiến Vua không chỉ bởi thịt gà thơm ngon mà còn bởi vẻ oai nghiêm, hùng dũng của chúng. So với các giống gà khác, Gà nhiều cựa Xuân Sơn không chỉ có hương vị thơm ngon đặc trưng mà còn mang nhiều ý nghĩa, tượng trưng cho sự may mắn, sung túc và tài lộc.

Hồng Gia Thanh – đặc sản Phú Thọ 

Hồng Gia Thanh là một thứ quả đặc sản nức tiếng ở xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ bởi độ thơm ngon, giòn, ngọt. Do giống cây “kén đất”, chỉ một phần diện tích nhỏ ở xã Gia Thanh mới cho quả có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, nên hồng Gia Thanh đều được thương lái đặt mua trước, có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu.

Măng chua nấu thịt gà – đặc sản Phú Thọ 

Canh gà nấu măng bao gồm hai thành phần chính là gà và măng muối chua. Đây được biết đến là hai nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, rất tốt cho sức khỏe. Giá trị dinh dưỡng của măng tương tự như rau tươi, cũng chứa đầy đủ các chất như protid, glucid, muối khoáng, vitamin và chất xơ. Còn với thịt gà, đây được xem là nguồn thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Canh gà măng chua hấp dẫn bởi vị ngọt thanh mát của gà và vị chua nhẹ tự nhiên của măng khiến ai ăn cũng mê.

Măng sặt Ấm Hạ – đặc sản Phú Thọ 

Sặt là loài cây thuộc họ nhà tre, trúc nhưng thân cây thẳng và nhỏ hơn, cây thường mọc tự nhiên ở những khe suối trong khu rừng rậm. Theo kinh nghiệm của dân bản, ngon nhất là măng non còn tươi, khi chọn mua nên chọn những thân măng màu trắng nõn, không thâm hay sâu. Đặc biệt, măng đúng mùa không có vị hen, rất dễ bóc. Mùa măng sặt cho chất lượng tốt nhất là từ tháng 2 âm lịch.

Nhộng tằm lá sắn – đặc sản Phú Thọ 

Khác với tằm lá dâu thân hình bé nhỏ nhẵn nhụi, tằm lá sắn có kích cỡ lớn hơn khoảng bằng ngón tay của người lớn, gai góc tua tủa chạy thành hàng từ đầu xuống chân. So với tằm lá dâu thì tằm lá sắn mang lại hiệu quả cao bởi lá sắn – thức ăn cho tằm dễ tìm kiếm, giá rẻ, con tằm dễ nuôi, sinh trưởng nhanh, không mất nhiều thời gian chăm sóc, thời gian thu hoạch ngắn, ít dịch bệnh.

Con tằm chín có thể chế biến thành một số món ngon dùng làm mồi nhậu hoặc ăn với cơm trắng. Tại địa phương, tằm chủ yếu được chế biến thành các món truyền thống như: tằm rang lá chanh, rang lá lốt, tằm chiên giòn hoặc tằm luộc. Tằm thấm gia vị đậm đà khi ăn thấy giòn phía bên ngoài và dai dai bên trong rất hấp dẫn, ai ăn được món này dễ bị nghiện. Món tằm được chế biến rất đơn giản kết hợp những nguyên liệu sẵn có trong vườn nhà đã cho ta những món ăn thơm ngon bổ dưỡng.

Rau rừng đồ – đặc sản Phú Thọ 

Món rau rừng đồ được tạo thành từ nhiều loại rau khác nhau, thông thường người dân sẽ hái các loại rau như: rau lang, rau bí, rau dền cơm, rau ngải cứu, lá tía tô, lá lốt, cà rừng (loại cà quả nhỏ như cà pháo nhưng có gai), hoa chuối rừng, rau cải đồng… và không thể thiếu được trong món rau đồ đó là ngọn và lá đu đủ bánh tẻ cùng những chùm hoa đu đủ đực trắng tinh. Vị chua chát, vị đắng, thích sử dụng phương thức đồ để chế biến rau nên món rau đồ được đồng bào khá ưa chuộng. Theo họ, rau đồ khác với các món rau được chế biến khác là sẽ giữ được hương vị của các loại rau.

Rêu đá Tân Sơn – đặc sản Phú Thọ 

Là một trong những đặc sản độc đáo của miền quê Đất Tổ, rêu đá Thanh Sơn Phú Thọ đã thu hút sự hiếu kỳ, tò mò của du khách khi đặt chân về nơi đây. Rêu thường hay mọc và bám ở những vách đá nơi có suối chảy qua. Nhất là vào mùa xuân thì tầng tảng rêu lại phủ xanh kín ở bề mặt đá qua khe suối. Rêu đá Thanh Sơn thì có nhiều cách chế biến khác nhau như: nấu canh, luộc, xào, nộm, nướng…Tuy nhiên, trong bữa cơm hàng ngày của người Mường thì canh rêu đá , nộm rêu và món rêu nướng là 3 món ăn thông dụng và được chế biến nhiều hơn cả.

Thịt chua Thanh Sơn – đặc sản Phú Thọ 

Nguyên liệu để chế biến món thịt chua gồm: thịt lợn mán, thính ngô, thính đỗ, các loại gia vị như: muối, đường, tỏi, ớt,… Quy trình làm thịt chua với rất nhiều công đoạn: thui cho lợn vàng đều, quay cho thịt lợn gần chín tới, những vùng thịt ngon nhất của con lợn như: thịt ba chỉ, thịt mông sấn, thịt nạc vai, nạc thăn sẽ được đem thái lát mỏng, ướp một chút muối gia vị, trộn đều với thính ngô, đỗ sao cho bột thính bám thật đều trên bề mặt các miếng thịt.

Thịt nộm nâu Thanh Sơn – đặc sản Phú Thọ 

Món thịt nộm nâu được xem là món ăn xa lạ và đặc trưng của đồng bào người Mường ở Thanh Sơn. Loại củ này được người Mường ở đây khéo léo chế biến thành món nộm tạo nên nét đặc trưng riêng biệt, hương vị không thể lẫn với nét văn hóa ẩm thực của các dân tộc khác.

Tuy nhiên nếu gỏi cá người Kinh ăn kèm nhiều loại rau, lá, củ, quả thì gỏi cá người Mường chỉ trộn củ nâu. Củ nâu có tác dụng khử mùi tanh vì thế hương vị gỏi khá đơn điệu, nhưng giữ được vị ngọt nguyên thủy của cá sống.

Điều đặc biệt là củ nâu không chỉ dùng để làm gỏi cá mà hầu hết các loại thịt người Mường thường dùng củ nâu để tạo nên các món ăn. 

Vịt lam Xuân Sơn – đặc sản Phú Thọ 

Món vịt lam chế biến từ vịt trộn hoa chuối mang đến cho người thưởng thức vị giác khác biệt nhất. Món ăn ngon ngay từ khâu chọn nguyên liệu: vịt phải là loại vịt nuôi thả ở suối, vận động nhiều nên ít béo và thức ăn chủ yếu là ngô, lúa và các loại thủy sinh có ở suối; thịt vịt vì thế ngọt, thơm, không có mùi hôi vịt đặc trưng. Khi đem nấu món lam vịt, chỉ lọc lấy phần thịt, thái miếng vừa ăn rồi đem ướp gia vị từ lá, hạt cây rừng, đặc biệt phải có lá hoặc hạt dổi. 

Món vịt lam có vị ngon, cay cay đặc trưng bởi sự hòa trộn các loại gia vị Tây Bắc, vì nấu kín trong ống giang nên đượm mùi thơm của rau gia vị và giữ được vị thịt ngọt, béo mà thanh bởi có hoa chuối chát nhẹ thẩm thấu chất béo. Món ăn đặc biệt này cũng giống như lam cơm, lam cá, là cách bà con người dân tộc nấu các món ăn trong những ống tre, nứa để trên than, lửa khiến cho đồ ăn chín dần, mềm mà không nồng.

Tương Dục Mỹ – đặc sản Phú Thọ 

Ở làng Dục Mỹ, đỗ tương sau khi thu hoạch, được phơi và đập thủ công. Hạt đỗ tròn mẩy, bên ngoài còn phủ lớp phấn cám mỏng bám lại từ vỏ quả. Người làm chỉ lựa những hạt mẩy, đều để khi rang không bị cháy. Sau khi đãi sạch, đỗ tương được rang dưới lửa nhỏ, sau đó tách vỏ, lấy riêng phần hạt rồi thêm nước, đun đến khi gần cạn. Phần nước còn sót lại và phần đỗ được đem ngả cùng gạo đã lên mốc trong chum sành, để ít nhất 3 tháng thành tương.

Xôi nếp gà gáy – đặc sản Phú Thọ 

Giống lúa nếp gà gáy ở Yên Lập – Phú Thọ nổi tiếng với vị dẻo thơm, ăn không bị ngấy. Cách nấu xôi nếp gà gáy rất đơn giản, không cần quá cầu kì. Chỉ cần đãi gạo sạch, sau đó cho vào chõ xôi và đồ lên. Xôi có vị thơm ngào ngạt, dẻo bùi và không dính tay. Ăn xôi chấm kèm muối vừng thơm nức khiến ai thưởng thức rồi cũng khó có thể quên được. Xôi càng nắm càng dẻo, đặc biệt người Mường thường gói xôi vào lá dong hoặc lá chuối để thưởng thức. Dù có để trong tủ lạnh thì hôm sau xôi vẫn dẻo thơm mà không cần xôi lại.

Nếu có dịp ghé qua vùng đất tổ đầy nên thơ mà chưa thưởng thức hết những đặc sản thì thật phí phạm cho chuyến đi của bạn đó. Vậy nên hãy ghim ngay danh sách trên để dùng dần trong chuyến du lịch nhé!

Còn đây là tổng hợp chi tiết đầy đủ nhất những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, điểm check-in Phú Thọ hấp dẫn đang chờ bạn khám phá: Top 30 địa điểm du lịch Phú Thọ hút hồn du khách

Xem thêm kinh nghiệm du lịch tại đây nhé: Tổng hợp kinh nghiệm du lịch Phú Thọ cực đầy đủ

Xem thêm địa điểm checkin Phú Thọ đang hot tại đây nhé: Checkin tại “cầu tình yêu” Phú Thọ, bạn đã thử chưa

Cám ơn bạn đã theo dõi. Nếu có gì góp ý hay cần bổ sung thêm hãy để lại comment và bình chọn cho bài viết này nhé!

Theo dõi chúng mình ở đây nhé :

Nguồn: Tổng hợp Internet