Người Việt Nam từ bao đời nay vẫn luôn có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và lễ hội Dinh Thầy Thím là dịp để thể hiện truyền thống quý báu đó của người dân ở ngảnh biển Tam Tân nhằm tôn vinh những người có sự đóng góp lớn cho sự phát triển của nước vùng đất quê hương.
Thiết chế lễ hội ở đây tập trung chính ở 02 nhân vật truyền thuyết là Thầy: “Chí Đức Tiên Sinh” và Thím: “Chí Đức nương nương Tôn Thần”, biểu trưng cho lòng nhân ái, khí tiết, cứu nhân độ thế đã ăn sâu trong lòng người dân địa phương. Cũng từ lòng sùng kính uy linh Thầy Thím để thể hiện sự tri ân tiền nhân dày công khai mở vùng đất này, người dân địa phương chung tay lập đền thờ tại nơi Thầy Thím tạ thế trong khu rừng dầu Bàu Cái và chọn ngày 15/9 âm lịch hằng năm làm ngày lễ Tế Thu kính viếng Thành hoàng.
Lễ vật dâng cúng Thầy Thím, ông bà, tổ tiên trong Lễ hội dinh Thầy Thím gồm những sản vật gắn với sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương, trong đó phải có 01 con heo toàn sắc để dâng tế Thần linh.
Trước năm 1975, con heo này phải đặt trước cho 01 gia đình có cuộc sống hòa thuận, uy tín với dân làng, không vướng tang chế… chăn nuôi từ nhỏ hết sức cẩn trọng. Tuy nhiên, sau năm 1975 đến nay, tập tục này không còn, trước khi Lễ hội diễn ra khoảng 01 – 02 tháng, Ban Quản lý dinh Thầy Thím mới tiến hành liên hệ, tìm kiếm, lựa chọn con heo toàn sắc đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định để dâng tế Thần linh.
Lễ hội gồm những nghi lễ dân gian truyền thống như: Lễ Nghinh thần, rước sắc phong, lễ dâng hương, nhập điện an vị, cúng ngọ chay, thí thực phát lộc, thỉnh sanh, giỗ Tiền hiền và cúng gia binh.
Vào dịp lễ hội, đông đảo người dân địa phương và du khách đến cầu nguyện sức khỏe, hạnh phúc cho gia đình, họ hàng và công việc làm ăn hanh thông. Ngoài các nghi lễ xưa vẫn được bảo tồn, trong phần hội còn có nhiều trò chơi dân gian thu hút như: chèo Bả Trạo, diễn xướng tích Thầy, biểu diễn võ thuật, thi lắc thúng, gánh cá đi bộ, múa rồng… tạo nên không khí lễ hội sôi động.
Từ lâu, lễ hội dinh Thầy Thím đã trở thành nơi hội tụ tín ngưỡng, văn hóa tôn giáo của đông đảo người dân. Tương truyền rằng, đây là nơi thờ hai vị thần huyền thoại là Thầy và Thím có nhiều công đức giúp dân nghèo, từng được ngư dân ngưỡng mộ.
Người dân đến lễ hội dinh Thầy Thím mong muốn tìm được sự bình an, ban phúc lộc của Thầy – Thím, nên từ hàng trăm năm nay đã trở thành truyền thống văn hóa rất đặc trưng của tỉnh. Năm 1997, dinh Thầy Thím chính thức được công nhận là Khu di tích văn hóa cấp quốc gia nên đã được địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, sửa sang dinh miếu. Từ đây, du khách các nơi đổ về tham dự lễ hội mỗi năm một đông hơn.
Nếu bạn có ý định đi du lịch Bình Thuận hay tham gia lễ hội Dinh Thầy Thím tự túc thì nhất định phải đọc bài viết này!
Cám ơn bạn đã theo dõi. Nếu có gì góp ý hay cần bổ sung thêm hãy để lại comment và bình chọn cho bài viết này nhé!
Theo dõi chúng mình ở đây nhé :
Nguồn: Tổng hợp Internet