Lễ hội đình Trà Cổ Quảng Ninh thu hút hàng ngàn người tham dự – Nét văn hóa tâm linh của người Việt

Móng Cái – Quảng Ninh, vùng đất địa đầu Tổ Quốc được biết đến không chỉ là nơi đặt nét vẽ đầu tiên trên bản đồ Việt Nam, là nơi có bãi biển Trà Cổ đẹp, “trữ tình nhất Việt Nam”, mà còn được biết đến với lễ hội Đình Trà Cổ – một lễ hội lưu giữ những nét đẹp văn hóa của dân miền biển.

Đến nay người dân Trà Cổ còn lưu truyền câu ca ” Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn” để nhớ về gốc gác của mình.

Lễ hội đình Trà Cổ diễn ra khi nào?

Lễ hội Đình Trà Cổ được là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời ở Việt Nam. Lễ hội diễn ra hàng năm tại làng Trà Cổ, thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 30/5 (nếu tháng thiếu là ngày 29/5) đến hết ngày 6/6 Âm lịch, kéo dài suốt 7 ngày với rất nhiều nghi thức và lễ tế. Lễ hội Đình Trà Cổ thu hút đông đảo du khách và dân cư địa phương đến tham dự.

Lễ hội Đình Trà Cổ mang đậm bản sắc văn hóa biển, tái hiện và phổ quát rõ nét đời sống cộng đồng, tâm linh và bản tính tương thân tương ái của dân tộc Việt.

Lễ hội đình Trà Cổ có gì đặc sắc?

Trong 4 ngày diễn ra lễ hội, sẽ có nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc được tổ chức gồm phần lễ và phần hội:

Phần lễ có các hoạt động: Lễ Mộc dục; lễ rước mâm hoa quả và cây đèn thần vào đình; tiễn Ông Voi ra đình chầu; Lễ Thỉnh sinh; Khai mạc lễ hội; Lễ nghênh thần; Lễ an vị; Chuyển ông voi về nhà; Lễ đóng cây cai đám; Gọi sổ bìa xanh; dâng lễ của nhân dân và du khách; Dâng lễ tại chùa Nam Thọ và Đền Thánh Mẫu; rước cỗ chay cỗ mặn của ông đám cũ; dâng lễ của các Khu Nam Thọ, Đông Thịnh, Tràng Lộ, Tràng Vĩ;…

Phần hội có các hoạt động: Chấm thi Ông Voi; chương trình nghệ thuật chào mừng ; trò chơi dân gian (thi đan lưới, kéo co, đi cà kheo, viết thư pháp, nhảy bao bố…).

Trong đó nét độc đáo của lễ hội đình Trà Cổ là hội thi “Ông Voi”. Nghi lễ chính này được duy trì thường niên, trở thành nét riêng có của vùng đất biên ải Móng Cái.

Theo tục lệ, trước khi vào lễ hội, làng Trà Cổ lại họp làng để chọn ra 12 người, gọi là “cai đám”, để chuẩn bị cho lễ hội năm sau. Đáng chú ý, cho dù hoàn thành tốt nhiệm vụ thì mỗi người chỉ được vinh dự làm cai đám một lần trong đời. Từ đầu năm, mỗi cai đám sẽ nuôi một chú lợn. Sau khi mua về nhà, chú lợn này được gọi là “Ông Voi”, được coi là linh vật của thần. “Ông Voi” được chăm sóc chu đáo, ăn ngon, ngủ màn để tránh muỗi, được thăm khám đầy đủ và chăm sóc, nâng niu, trân trọng.

Chiều 30/5 âm lịch, sau lễ tế gia tiên, 12 cai đám sẽ dùng cũi sơn đỏ có mái che mưa nắng rước “Ông Voi” đã được tắm rửa sạch sẽ ra xếp thành hai hàng trước sân đình để chầu thần. “Ông” nào thân dài, vòng cổ to, đẹp và nặng nhất sẽ giành giải nhất; đồng thời được giữ lại để mổ tế thần. Trong mâm lễ, ngoài thủ lợn, không thể thiếu túm lông đuôi của “Ông Voi” này. Đây là tập tục khẳng định một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng và tính truyền đời của một nghi lễ nơi địa đầu Tổ quốc.

Lễ hội này mang đậm bản sắc văn hóa biển, là nơi tái hiện rõ nét đời sống cộng đồng, tâm linh và bản tính tương thân tương ái của dân tộc Việt. Đây cũng là dịp để tưởng nhớ các thành hoàng, đồng thời thể hiện ý chí vững chắc trong việc duy trì bản sắc dân tộc và bảo vệ từng tấc đất Việt Nam. Vậy nên nếu có dịp đến Quảng Ninh bạn đừng bỏ qua lễ hội đặc sắc này nhé!

Với những bạn muốn đi du lịch Quảng Ninh tự túc, hãy tham khảo ngay cẩm nang du lịch tổng hợp cực chi tiết tại đây nhé: Kinh nghiệm du lịch Quảng Ninh cực chi tiết

Xem thêm tổng hợp chi tiết đầy đủ nhất những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, điểm check-in Quảng Ninh hấp dẫn đang chờ bạn khám phá tại đây: Top 80 địa điểm du lịch Quảng Ninh đẹp vô đối

Cám ơn bạn đã theo dõi. Nếu có gì góp ý hay cần bổ sung thêm hãy để lại comment và bình chọn cho bài viết này nhé!

Theo dõi chúng mình ở đây nhé :

Nguồn: Tổng hợp Internet

Đánh giá bài viết