Lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng diễn ra khi nào? Điểm đặc sắc của lễ hội bạn không thể bỏ lỡ

Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, nhưng bao giờ cũng hướng tới một đối tượng linh thiêng cần được suy tôn như những vị anh hùng chống ngoại xâm, những người có công dạy dỗ truyền nghề, chống thiên tai, diệt trừ ác thú, giàu lòng cứu nhân độ thế,… Và lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng cũng không ngoại lệ.

Lễ hội Quán Thế Âm – Đà Nẵng là lễ hội mang sắc thái tôn giáo kết hợp với văn hoá dân tộc, là một trong 15 lễ hội lớn cấp quốc gia, được tổ chức khá quy mô và thu hút đông đảo lượng tín đồ phật tử hành hương và du khách tới tham quan.

Chùa Quán Thế Âm được xây dựng vào năm 1957, tọa lạc tại chân núi Kim Sơn, một trong năm ngọn núi Ngũ Hành Sơn – nơi đây được xem là Thánh Địa Phật Giáo, vì hầu hết trên năm ngon Ngũ Hành Sơn đều có đều có chùa chiền cổ kính hoặc tân tạo. Ngôi chùa Quán Thế Âm hiền hòa, cổ kính, hang động thâm sâu huyền bí, tạo nên một sắc thái thiêng liêng sâu lắng, thanh thoát cao thượng cho tâm hồn, đó cũng là bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam.

Lễ hội Quán Thế Âm diễn ra vào ngày nào?

Đức Bồ Tát Quán Thế Âm đã thị hiện tôn tượng của Ngài tại thạch động Quán Thế Âm, tượng hoàn toàn do thiên tạo ứng linh, vì lẽ đó, người có tín tâm thường đến nơi đây để cầu nguyện, nhất là ngày Đản sinh của Ngài 19/2 âm lịch hàng ngàn người thập phương đến để chiêm bái và cầu nguyện. Từ đó Chư tôn túc trong thành phố và chùa Quán Thế Âm lấy ngày 19/2 âm lịch hàng năm thành ngày lễ hội nhằm mục đích làm cho sự sinh hoạt này có ý nghãi và phát triển hơn.

Diễn biến của lễ hội Quán Thế Âm

Lễ hội thường tổ chức trong 3 ngày từ ngày 17 đến ngày 19/ 2 âm lịch với hai phần: phần lễ, phần hội. Lễ hội Quán Thế Âm mang nhiều giá trị to lớn về phong tục và văn hóa vùng miền.

Phần lễ: gồm những nghi lễ thuộc về tín ngưỡng Phật giáo như:

  • Lễ rước ánh sáng được tổ chức vào 18/02 Âm lịch, gồm rước kiệu, rước đuốc, múa lân, múa rồng.
  • Lễ khai kinh được diễn ra vào sáng sớm của ngày 19/02 Âm lịch để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.
  • Lễ trai đàn chẩn tế tổ chức vào sáng ngày 19/02 Âm lịch để cúng thập loại chúng sinh và cầu siêu cho những người đã mất.
  • Lễ thuyết giảng về Quan Thế Âm Bồ Tát diễn ra vào sáng ngày 19/02 Âm lịch để ca ngợi tấm lòng từ bi của Đức Phật và cầu nguyện cho đời sống nhân dân ấm no, đất nước thịnh vượng.
  • Lễ rước tượng Quán Thế Âm diễn ra vào khoảng 10 giờ sáng ngày 19/02 Âm lịch để cầu nguyện cho ngư dân đi biển và những người làm ăn trên sông nước được bình an, may mắn.

Phần lễ còn có nhiều hoạt động khác như lễ hóa trang Quan Thế Âm, lễ tạ pháp dàn hoa đăng…

Phần hội: Phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động văn hóa – thể thao mang đậm bản sắc dân tộc xen lẫn với hiện đại như hội hóa trang, hát bội (tuồng), thi các môn, thi pháp, tranh thủy mặc, thả đèn trên sông Cổ Cò (hoa đăng), đua thuyền, lắc thúng chai, kéo co, bơi chải, thi nấu ăn chay, trang trí cổng trại, hát bài chòi, thiền trà, triển lãm tượng đã và hội thi điêu khắc đá của làng đá mỹ nghệ Non Nước,…kéo dài trong suốt 3 ngày 3 đêm trong khuôn viên chùa Quán Thế Âm, núi Kim Sơn và bên bờ sông Cổ Cò.

Lễ hội Quán Thế Âm là một lời cầu nguyện cho quốc thái dân an, cho mưa thuận gió hòa. Giữa tiết trời của mùa xuân, lòng người phơi phới rủ nhau đi hội, hành hương về cội nguồn, vui chơi và cầu mong quốc thái dân an, con người hạnh phúc…

Dù phải nhích từng bước một trên con đường Sư Vạn Hạnh trong cái nắng nhưng sự háo hức được đến chiêm bái Phật Quán Âm cho tình thương nhân loại đã xoa dịu nỗi khó chịu của mọi người. Có lẽ, niềm vui trẩy hội và sự tôn kính Phật Quán Thế Âm đã giúp cho mọi người “hóa giải” tất cả những gì chưa thật sự hài lòng…

Đối với hoạt động du lịch, lễ hội Quán Thế Âm nằm chương trình hoạt động quốc gia về du lịch và các sự kiện du lịch. Lễ hội đã được bộ văn – thông tin (nay là bộ văn hóa thể thao và du lịch) đưa vào danh mục 15 lễ hội lớn của cả nước, là cơ hội để quảng bá về khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn một cách sâu rộng, góp phần thu hút khách du lịch đến với Ngũ Hành Sơn nói riêng và Đà Nẵng chung.

Lễ hội Quán Thế Âm còn là dịp để mọi người, mọi giới chan hòa trong tính cộng đồng, soi mình vào bản sắc văn hóa dân tộc với niềm tin thiêng liêng, cao cả trong đời sống tâm linh, để ngày một sống đẹp hơn. Qua đó, phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam với tinh thần tương thân tương ái.

Nếu bạn có ý định đi du lịch Đà Nẵng hay tham gia lễ hội Quán Thế Âm tự túc thì nhất định phải đọc bài viết này 

 

5/5 - (15 bình chọn)